Nguyên nhân và cách phòng bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ

Bệnh đường hô hấp ở trẻ

Vào thời điểm giao mùa khoảng từ tháng 9 cho đến tháng 3 năm sau, lúc này thời tiết trở lạnh trẻ rất dễ bị bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp. Căn bệnh này ở trẻ là tình trạng nhiễm trùng cấp tính do ảnh hưởng của các vi sinh vật gây bệnh. Trung bình một năm trẻ em có thể mắc căn bệnh đường hô hấp từ 6 đến 8 lần. Trong trường hợp bố mẹ chủ quan không cho trẻ đi khám cũng như điều trị kịp thời sẽ khiến cho bệnh đường hô hấp ở trẻ có thể trở nặng, gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm ở trẻ. Để giúp cho các bố mẹ biết cách chăm sóc trẻ cũng như kịp thời phát hiện và xử lý hãy theo dõi bài viết sau đây nhé!

Nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp ở trẻ

Có nhiều nguyên nhân gây ra các bệnh về hô hấp ở trẻ. Tuy nhiên có thể kể đến những nguyên nhân phổ biến như:

Cảm lạnh

Khi vi-rút gây cảm lạnh xâm nhập cơ thể sẽ có các biểu hiện trên đường hô hấp. Bệnh có các triệu chứng điển hình là sốt, ho, sổ mũi, kém ăn và đau họng, kéo dài khoảng 1 tuần. Vi-rút lây từ người sang người. Hoặc lây qua đường tiếp xúc với vật bị nhiễm bệnh. Đôi khi cảm lạnh thông thường có thể tăng nặng và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp ở trẻ

Bệnh cúm

Triệu chứng sốt, ớn lạnh, mệt mỏi và đau nhức cơ bắp. Trẻ nhỏ khi bị cúm dễ quấy khóc, khó chịu, bỏ ăn, một số trẻ đau bụng, tiêu chảy. Và thường kèm theo hội chứng viêm long đường hô hấp như hắt hơi, chảy nước mũi trong, ngạt mũi, ho. Bệnh cúm có thể lây truyền từ người sang người.

Bạch hầu

Là một trong những bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Nhiều triệu chứng sẽ xuất hiện trong 2 – 5 ngày sau khi phơi nhiễm. Ban đầu trẻ sẽ bị đau họng, ho và sốt kèm ớn lạnh. Các triệu chứng sẽ tăng dần từ nhẹ đến nặng. Chính vì triệu chứng không đặc trưng nên cha mẹ dễ nhầm tưởng trẻ chỉ đơn giản đang bị cảm lạnh, chứ không phải đang phơi nhiễm với vi khuẩn bạch hầu.

Khi bệnh trở nặng. Bên trong cổ họng và amidan bệnh nhi xuất hiện các lớp màng dày màu trắng xám, mọc thành từng mảng lớn, khiến trẻ bị tắc nghẽn đường hô hấp và ho khan. Nếu bệnh nhi không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh, …

Viêm tiểu phế quản

Là bệnh do vi-rút gây ra. Vi-rút này lây lan qua không khí, qua tiếp xúc với vật bị nhiễm vi-rút, với các triệu chứng gồm sổ mũi, thở khò khè, thở nhanh, khó thở, ho và sốt. Nếu nhiễm vi-rút hợp bào hô hấp RSV, bệnh thường nặng hơn, dễ bị suy hô hấp, hay kéo dài và hay tái phát.

Viêm tiểu phế quản một trong nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp

Vi-rút RSV làm cho niêm mạc của các đường dẫn khí nhỏ trong phổi, được gọi là tiểu phế quản bị viêm phù nề dẫn đến bị hẹp, tăng tiết dịch khiến cho trẻ có hiện tượng thở khò khè. Những biến chứng của viêm tiểu phế quản do RSV có thể kể đến là khoảng 20% trẻ sơ sinh bị viêm tai giữa. Và khoảng 30% trẻ bị hen suyễn sau khi bị viêm tiểu phế quản.

Điều kiện nào trẻ dễ mắc bệnh đường hô hấp

  • Do thời tiết thay đổi đặc biệt là khi giao mùa. Bệnh thường xảy ra vào thời điểm giao mùa (khoảng tháng 9 đến tháng 3). Lúc trời trở lạnh, độ ẩm trong không khí giảm thấp.
  • Bệnh hay gặp hơn ở trẻ sinh non, nhẹ cân, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch. Hoặc có bệnh mãn tính kèm theo và không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ.
  • Trẻ sống trong môi trường chật hẹp, ô nhiễm, vệ sinh kém, nhiều khói bụi, thuốc lá.
  • Môi trường có nguồn lây trẻ hít phải dịch tiết có chứa vi khuẩn hay virus do người bệnh bắn ra khi họ, hắt hơi, sổ mũi. Trẻ cầm nắm các vật dụng, đồ chơi nhiễm bẩn bị bám dịch tiết hay có sự hiện diện của các vi sinh vật gây bệnh.

Triệu chứng khi trẻ bị bệnh đường hô hấp

Triệu chứng của bệnh đường hô hấp trên thường rất đa dạng. Chúng có thể là dấu hiệu đơn lẻ hoặc kết hợp của nhiều dấu hiệu như:

  • Sốt: Đây là triệu chứng thường gặp nhất, trẻ em thường dễ sốt cao hơn người lớn. Thân nhiệt có thể tăng cao 39-40 độ C, kèm theo các dấu hiệu như viêm kết mạc, ngứa, đau mắt, chảy nước mắt…
  • Ho: Ho là triệu chứng xuất hiện trong hầu hết các bệnh viêm đường hô hấp. Thông thường ho thường xuất hiện từng cơn, ho khan có đờm hoặc không đờm.
  • Nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau cổ họng, mệt mỏi chán ăn.
  • Khó thở: Đây là triệu chứng ít gặp. Một khi đã gặp thì bệnh đã có dấu hiệu trở nặng. Nếu không chữa trị tốt, bệnh có thể chuyển sang viêm đường hô hấp trên mãn tính với triệu chứng thường là ho, rát họng, nuốt thấy hơi vướng trong họng, nghẹt mũi do hiện tượng phì đại cuống mũi.
  • Một số trẻ em bị viêm VA mãn tính kéo dài do trực khuẩn, có chất nhầy màu xanh ở mũi. Trường hợp gây viêm xoang thường kèm theo triệu chứng đau đầu.

Triệu chứng khi trẻ bị bệnh đường hô hấp

Phòng chống bệnh đường hô hấp

  • Giữ ấm cho trẻ khi thời tiết trở lạnh. Nhất là khi đưa trẻ đi chơi ngoài trời vào buổi tối hoặc sáng sớm, ở các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
  • Cho trẻ bú mẹ từ những giờ đầu sau sinh và duy trì đến 2 tuổi.
  • Ăn dặm đúng thời điểm với chế độ dinh dưỡng hợp lý.
  • Cho trẻ uống nhiều nước hơn. Ăn đủ chất dinh dưỡng, tăng cường rau xanh và hoa quả để tăng sức đề kháng.
  • Cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ .
  • Giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ. Vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý.
  • Tránh nhiễm lạnh cho trẻ bằng cách không cho trẻ ăn uống đồ quá lạnh.
  • Không nên tiếp xúc với môi trường có khói thuốc lá và bụi. Giữ nhà cửa luôn thông thoáng, sạch sẽ.
  • Hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người trong mùa dịch bệnh. Mang khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh.
  • Phát hiện sớm các biểu hiện của nhiễm khuẩn hô hấp trên ở trẻ để được tư vấn bác sĩ kịp thời.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *