Bệnh đau mắt đỏ hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc ở trẻ em nguyên nhân là do nhiễm vi khuẩn hay virus Adeno. Tuy bệnh này lành tính nhưng lại có khả năng lây lan rất cao từ người này sang người khác và dễ gây thành dịch trong cộng đồng. Tuy bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng không phải hoàn toàn không có biến chứng nguy hiểm. Một số biến chứng điển hình của đau mắt đỏ là viêm giác mạc đốm, viêm giác mạc sâu, nặng hơn là suy giảm thị lực, gây sẹo giác mạc… Do đó cần có những biện pháp phòng ngừa để tránh cho trẻ bị đau mắt đỏ.
Triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ
Bệnh đau mắt đỏ có khả năng lây lan rất cao và dễ gây thành dịch trong cộng đồng. Bệnh lây từ người bệnh sang người lành thông qua các chất tiết của đường hô hấp, nước bọt và dịch tiết của mắt khi dùng chung khăn mặt, cốc nước, các vật dụng dính chất tiết của người bệnh hay tắm chung hồ bơi.
Bệnh đau mắt đỏ có thời gian ủ bệnh khoảng 3 ngày. Sau đó trẻ sẽ xuất hiện những triệu chứng ngứa, cộm, chói, đau nhức, đỏ mắt, sợ ánh sáng, chảy nước mắt và tiết nhiều ghèn mắt. Đôi khi ngủ dậy, ghèn mắt có thể làm hai mi trẻ dính chặt lại khó mở mắt. Bệnh thường biểu hiện ở một mắt trước. Nhưng nếu không có phương pháp chữa trị kịp thời mắt thứ 2 cũng sẽ bị viêm sau khoảng 3-5 ngày.
Trong trường hợp nặng, bé có thể bị xuất huyết kết mạc, mờ mắt, sợ ánh sáng do tổn thương giác mạc. Ngoài ra, trẻ cũng có thể có các triệu chứng toàn thân như sốt nhẹ, sưng hạch góc hàm hoặc hạch sau tai, họng đỏ, sưng amidan,…
Cách phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ
Bệnh đau mắt đỏ tuy lành tính nhưng sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình học tập và sinh hoạt. Ngoài ra nếu bệnh lâu không khỏi có thể gây biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến thị lực. Vì thế việc phòng ngừa đau mắt đỏ là vô cùng quan trọng. Người bệnh vẫn hoàn toàn có khả năng lây bệnh trước 2 3 ngày khi phát bệnh. Và sau khi khỏi bệnh 1 tuần. Cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện các biện pháp vệ sinh và cách ly với người bệnh.
- Tránh cho bé tiếp xúc với người bị bệnh đau mắt đỏ.
- Luôn vệ sinh sạch sẽ đồ dùng cá nhân của trẻ.
- Cho trẻ sử dụng vật dụng cá nhân riêng như khăn mặt, ly, chén,…
- Hướng dẫn trẻ thường xuyên rửa tay kỹ lưỡng bằng xà phòng sát khuẩn.
- Không cho trẻ dùng tay dụi mắt.
- Hạn chế cho trẻ đi bơi trong mùa dịch đau mắt đỏ. Tập thói quen dùng kính bơi khi đi bơi.
- Đeo kính cho trẻ khi đi đường để tránh bụi.
- Cho trẻ tập luyện thể thao và ăn đầy đủ vitamin để tăng cường khả năng miễn dịch.
Tuy nhiên, do bệnh đau mắt đỏ lây lan rất nhanh nên: Người bệnh cần có ý thức không nên sờ mó vào mắt đau. Không bắt tay người khác. Không dùng chung khăn mặt…
Điều trị bệnh đau mắt đỏ
– Sử dụng thuốc đúng loại và đúng liều lượng theo đơn đã được kê của bác sĩ. Tùy vào tình trạng bệnh của từng người mà bác sĩ có thể kê những loại thuốc khác nhau như kháng viêm, kháng sinh, nước mắt nhân tạo, thuốc tra mắt,…
– Sử dụng thuốc tra mắt đúng cách: lưu ý không để đầu thuốc chạm vào mắt. Đối với thuốc tra dạng mỡ hoặc gel thì bôi vào khoảng 1cm cùng đồ mi dưới, với thuốc nước thì nhỏ từ 1 – 2 giọt.
– Để dễ dàng theo dõi diễn biến của bệnh thì nên tái khám thường xuyên theo lịch hẹn của bác sĩ. Nếu sử dụng thuốc thấy mắt sưng hơn, đau hơn. Hay chảy máu thì cần liên hệ ngay với bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời.
Lưu ý khi bị đau mắt đỏ
Khi bị bệnh đau mắt đỏ, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến khám bệnh tại bác sĩ chuyên khoa nhi hay mắt. Không nên tự ý mua thuốc nhỏ mắt cho trẻ. Một số loại thuốc nhỏ mắt trên thị trường có chứa corticoides có thể khiến trẻ bị loét giác mạc, tăng nhãn áp gây mù lòa.
Khi bị bệnh, cũng không nên tới những nơi công cộng như bể bơi, trường học. Và khi đi ra ngoài, nên đeo kính, khẩu trang… để tránh lây lan cho người khác. Hơn nữa, phụ huynh cũng không nên dùng lá trầu xông khi đau mắt bởi nhiệt nóng của nước và của lá trầu sẽ làm bỏng mắt làm tổn thương mắt nặng nề hơn.