Rễ sậy chữa được những bệnh gì? Cùng tìm hiểu

Rễ sậy chữa được những bệnh gì? Cùng tìm hiểu
Chúng ta thường bắt gặp những cây sậy mọc hoang khắp ven đường, nhưng ít ai biết rằng; loài cỏ dại này lại là một vị thuốc chữa nhiều bệnh…

Rễ sậy còn có tên khác: Lô căn, lô vi căn và vi hành. Bộ phận thường dùng làm thuốc là phần rễ dưới mặt đất của cây Lau (Saccharum arundinaceum Retz.) hoặc cây Sậy (Phragmites karka Trin.), thuộc họ Lúa (Poaceae).

Rễ sậy có chứa protein (coicin), axit béo (coixenolid), carbohydrate, asparagin … Y học cổ truyền cho rằng rễ sậy có vị ngọt, tính hàn, đi vào các kinh: phổi, vị, thận. Tác dụng thanh nhiệt sinh tân, tiêu thũng trừ phiền nhiệt, dùng để chữa các chứng nhiệt thương, nhiệt khát, nôn mửa do nhiệt, ho do phế nhiệt. Nếu ở dạng khô thì dùng 20g-63 g/ngày, dạng tươi có thể dùng nhiều lần.

Những bài thuốc chữa bệnh từ rễ sậy

Chữa viêm phổi mủ, ho khạc ra đờm hôi tanh, trong đờm lẫn máu

Rễ sậy 24g, ý dĩ nhân 24g, đào nhân 8g, đông qua tử 24g. Sắc uống.

Công dụng: Mát phổi, dịu ho. Ngoài ra, còn dùng cho các chứng thực nhiệt ở trong kinh phế (ho do cảm mạo phong nhiệt, viêm phế quản cấp tính).

Chữa say nắng, say nóng và các bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp

Chữa say nắng, say nóng và các bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp

Mạch đông 120g, Lô căn 150g, rửa sạch, thái vụn, phơi hoặc sấy khô, trộn đều rồi đựng trong lọ kín. Mỗi lần lấy 30g hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút là có thể dùng được, uống thay trà trong ngày. Có thể chế thêm một chút đường phèn cho dễ uống (Mạch môn lô căn ẩm).

Chữa các chứng tỳ nhiệt nôn mửa (như viêm dạ dày cấp), tim bứt rứt hồi hộp

Rễ sậy tươi 63g, trúc nhự (tinh cây tre) 12g, nước gừng vừa đủ, ngạnh mễ (gạo nếp) 8g. Sắc uống.

Công dụng: Mát dạ, cầm nôn. Trị các chứng tỳ nhiệt nôn mửa, tim bứt rứt hồi hộp.

Chữa chứng dạ dày khô táo, tân dịch xấu, miệng khát lưỡi khô

Rễ sậy 24g, mạch môn 16g, thiên hoa phấn 16g, cam thảo 4g. Có thể thêm trúc nhự 16g. Sắc uống.

Công dụng: sinh tân dịch, giải khát. Trị ôn bệnh thời kỳ cuối, tân dịch thương tổn, miệng khát.

Chữa rắn cắn

Chồi non cây Sậy, rau Dăng biển, dây Mơ lông, lá Mướp đắng, Rau má, mỗi vị 100g tươi, giã nhỏ, thêm nước gạn uống, bã đắp vào vết cắn.

Những dược thiện có rễ sậy

Ngũ chấp ẩm

Quả lê, củ năn, rễ sậy tươi, mạch môn, ngó sen… ép nước, để lạnh uống. Dùng tốt cho người bệnh bị nhiễm siêu vi trùng, nhiễm trùng sốt nóng khát nước.

Cháo rễ sậy trúc nhự sinh khương

Rễ sậy tươi 150g, trúc nhự 15g, gạo tẻ 50g, gừng tươi 4g. Rễ sậy, trúc nhự sắc lấy nước, cho gạo vào nấu cháo, đập thêm gừng tươi, để nguội ăn. Món này rất tốt cho người bị sốt cao mất nước, áp xe phổi, viêm khí phế quản cấp có sốt, nhiều đờm.

Nước rễ sậy

Nước rễ sậy 

Rễ sậy 80 – 100g. Sắc đặc uống thay nước chè. Dùng khi bị nôn ói liên tục không cầm.

Hoặc:  Rễ sậy tươi hoặc khô nấu nước uống thay nước chè. Dùng tốt cho các trường hợp viêm quanh răng (nha chu viêm), viêm lợi xuất huyết.

Nước rễ sậy đường phèn

Rễ sậy tươi 120g, đường phèn 50g; thêm nước đun cách thủy, vớt bỏ bã, uống thay nước trà. Thích hợp cho người bị viêm miệng hôi miệng, sốt nóng khát nước, nôn ói do nhiễm độc thai nghén.

Lô căn hoàng cầm ẩm

Rễ sậy tươi 150g, hoàng cầm 15g.  Rễ sậy rửa sạch, cắt đoạn cùng hoàng cầm sắc lấy nước, pha thêm chút đường uống. Ngày làm 1 lần, chia uống vào buổi sáng, chiều tối. Thích hợp cho người bệnh viêm giãn khí quản, lao phổi khái huyết.

Lô căn ý dĩ nhân ẩm

Rễ sậy 60g, ý dĩ nhân 50g, cùng nấu lấy nước, thêm ít đường trắng, chia 3 lần uống trong ngày. Dùng tốt cho bệnh nhân sỏi đường tiết niệu: đau quặn, tiểu rắt buốt, tiểu ra máu.

Kiêng kỵ

  • Người trúng hàn tà, cảm nắng mà không có sốt, nóng trong người hoặc tân dịch chưa tổn thương thì không được dùng.
  • Dị ứng hoặc mẫn cảm với một số thành phần có trong Lô căn hoặc một số dược liệu khác có trong bài thuốc.
  • Theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách, các đối tượng bị tỳ vị hư hàn (đau bụng, lạnh bụng, tiêu lỏng, ăn không tiêu…) không được sử dụng các bài thuốc từ Lô căn.

Cây sậy không chỉ là loài cây mọc hoang dại mà còn là vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *