Mướp đắng sẽ là món ăn lựa chọn số 1 để giải độc cho ngày hè

Mướp đắng là loại quả rất được ưa chuộng trong mùa hè, các bà nội trợ chế biến thành nhiều món ngon như mướp đắng xào trứng, mướp đắng nấu thịt, trà mướp đắng, nấu nước tắm chữa rôm sảy. Mướp đắng còn là một dược liệu quý giúp thanh nhiệt giải độc tự nhiên. Mướp đắng còn gọi là cẩm lệ chi, khổ qua, lương qua… Tên khoa học: Momordica charantia, họ bầu bí.

Cây mướp đắng là một loại cây thân leo có tua, thân có góc cạnh và đầu hơi có lông. Lá mọc so le, phiến lá chia 5-7 thùy hình trứng, mép có răng cưa, mặt dưới lá màu lục nhạt, gân phụ có lông ngắn. Hoa đơn độc ở kẽ lá, hoa đơn tính cùng gốc, cuống dài, cánh hoa màu vàng nhạt. Quả hình thoi có nhiều u nổi trên bề mặt quả; quả non màu xanh vàng, quả trưởng thành màu hồng, bên trong có nhiều hạt, hạt được bao phủ bởi một lớp màng màu đỏ giống như xyloza. Bộ phận làm thuốc là quả tươi hoặc khô, cả hạt và lá đều dùng được.

Đôi nét về mướp đắng

Về thành phần hoá học, trong quả có chứa glycozit đắng: momordixin, charantin; hỗn hợp các chất thuộc nhóm stigmastadienol; protid, acid amin; lipid và các sắc tố chủ yếu: lycopen; một số vitamin và muối khoáng. Hạt chứa chất béo và chất đắng. Dịch chiết quả và hạt có tác dụng hỗ trợ chữa đái tháo đường.

Đôi nét về mướp đắng

Theo Đông y, mướp  đắng vị đắng, tính lạnh; vào tỳ, vị, tâm, can. Tác dụng thanh giải thử nhiệt, minh mục giải độc. Dùng cho các trường hợp nhiệt bệnh sốt nóng mất nước, hội chứng lỵ, viêm cấp tính đường tiết niệu, sỏi đường tiết niệu, mụn nhọt, viêm kết mạc mắt cấp tính (đau mắt đỏ) và bệnh đái tháo đường.

Liều dùng, cách dùng: 1 – 4 quả; có thể nấu, xào, ép nước hoặc pha hãm.

Bài thuốc chữa bệnh từ mướp đắng

Nước tắm cho trẻ em nhiều rôm sảy: mướp đắng 2 – 3 quả rửa sạch, bổ làm đôi, nấu với nước, lấy nước tắm cho trẻ. Ngày làm 1 lần.

Chữa ho: mướp đắng 1 – 2 quả rửa sạch, bổ làm đôi, cho vào nồi, đổ nước  nấu lấy nước uống trong ngày.

Chữa thấp khớp: lá mướp đắng 8g, dây đau xương sao 8g, cây xấu hổ 8g, rễ nhàu 8g, cỏ xước 8g, cây vòi voi sao 8g, cối xay 8g, rễ ngũ trảo 5g, dây thần thông 5g, quế chi 4g, gừng tươi 3g. Sắc ngày uống 1 thang.

Dùng cho người bệnh đái tháo đường, sốt cao mất nước, miệng khô, họng khát: mướp đắng 1 – 2 quả, tách bỏ ruột, thái lát, sắc lấy nước uống.

Món ăn thuốc từ mướp đắng

Nước chiết mướp đắng ướp đường

Mướp đắng tươi 1 – 2 quả rửa sạch, nghiền nát nhuyễn, cho thêm 100g đường trắng trộn đều, sau 2 giờ cho nước sôi để nguội vào khuấy lọc lấy nước, uống 1 lần. Dùng tốt cho người bị chứng nhiệt lỵ.

Mướp đắng xào đậu phụ

Mướp đắng 150g, đậu phụ 100g. Đậu phụ thái lát, rán vàng. Mướp đắng rửa sạch, bỏ ruột thái lát, xào với dầu thực vật tên lửa to cho chín tái, cho đậu phụ, ít gia vị, xào tiếp cho chín đều. Ăn ngày 1 lần. Người bệnh đái tháo đường nên ăn món này hằng ngày.

Mướp đắng xào thịt nạc

Mướp đắng xào thịt nạc 

Mướp đắng 150g, thịt nạc 100g. Thịt nạc thái mỏng, ướp bột gia vị xào chín tới. Mướp đắng bỏ ruột thái lát xào lửa to cho chín tái, thêm bột gia vị, cho tiếp thịt nạc vào xào chín đều. Món này rất tốt cho người bị chảy máu cam, đái tháo đường, đau mắt đỏ…

Mướp đắng xào cà rốt

Mướp đắng 60g, cà rốt 60g, thêm hành, tiêu, gia vị; xào với lửa to. Ăn ngày 2 lần. Dùng tốt cho người bị tiêu chảy, đặc biệt là trẻ nhỏ (liều lượng bằng nửa của người lớn).

Thịt nạc hầm mướp đắng củ cải

Mướp đắng 250g – 500g, thịt lợn nạc 125g – 250g, củ cải 100g – 200g. Mướp đắng rửa sạch thái lát; thịt lợn nạc thái miếng; củ cải thái miếng. Tất cả hầm với nước, khi chín thêm gia vị. Ăn ngày 1 lần, liên tục 20 ngày. Món này rất tốt cho các người bệnh viêm họng mạn tính, đau rát họng, ho khan, viêm nề hoặc viêm teo niêm mạc họng.

Mướp đắng xào củ năn

Mướp đắng 60g, bột củ năn 60g. Mướp đắng bỏ ruột thái lát, củ năn bóc vỏ thái lát. Xào mướp đắng và củ năn bằng dầu thực vật, xào to lửa, thêm gia vị. Ăn ngày 1 – 2 lần. Món này tốt cho các người bị viêm loét niêm mạc môi miệng, viêm lưỡi và họng hầu; Ăn và nhai nuốt đều đau, sốt nóng.

Ở miền Nam, món canh mướp đắng nhồi thịt băm hoặc cá riêu canh chua mướp đắng là những món ăn ngon miệng dễ tiêu được mọi người ưa thích.

Người nào không nên ăn mướp đắng

Người bị đau đầu

Người nào không nên ăn mướp đắng 

Mướp đắng có hai đặc tính không tốt với người hay bị đau đầu, đó là nó có chứa charantin, polypetid – P; đây là những hợp chất làm giảm đường huyết vì chúng hạn chế dung nạp glucose, có thể hỗ trợ điều trị tiểu đường và cao huyết áp, nhưng cũng là nguyên nhân gây đau đầu nếu bị hạ huyết áp. Bên cạnh đó, thành phần vicine trong hạt mướp có thể gây ngộ độc, biểu hiện là đau đầu, co thắt vùng bụng hoặc có thể hôn mê nhẹ.

Người mang thai và cho con bú

Mướp đắng rất ít chất xơ và chất béo nên không có lợi cho chế độ dinh dưỡng của bà bầu và phụ nữ sau sinh. Ngoài ra, việc ăn mướp đắng có thể gây giảm đường huyết.

Bên cạnh đó, chúng cũng là một loại quả kích thích tử cung, gây chảy máu và có thể dẫn đến sinh non. Phụ nữ đang cho con bú cũng không nên ăn mướp đắng vì một số thành phần không tốt có thể được truyền qua sữa mẹ.

Người mắc bệnh gan, thận

Người bị bệnh về gan và thận được khuyến cáo không nên ăn mướp đắng vì chúng rất khó tiêu hóa, có thể gây đầy hơi. Những người bị thiếu men G6PD (loại men có vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa của tế bào hồng cầu) nên tránh xa loại rau có vị đắng này.

Người phải phẫu thuật

Nhiều chuyên gia cho rằng mướp đắng có thể cản trở quá trình kiểm soát lượng đường huyết trong và sau khi phẫu thuật. Bởi vậy, tốt nhất là bạn nên ngừng ăn mướp đắng ít nhất 2 tuần trước và sau thời gian phẫu thuật dự kiến.

Người tiêu hóa kém

Ăn mướp đắng sẽ khiến dạ dày phải hoạt động nhiều hơn, gây tình trạng quá tải. Với người hay bị lạnh bụng cũng không nên ăn nhiều vì sẽ tạo gánh nặng cho đường tiêu hóa. Nếu vẫn muốn ăn, hãy kết hợp hài hòa và điều độ với thực phẩm khác để đem lại hiệu quả như mong muốn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *