Triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng ngừa tiêu chảy cấp ở trẻ

Tiêu chảy cấp ở trẻ

Tiêu chảy cấp ở trẻ em là một trong những bệnh khá phổ biến, xảy ra nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi. Tình trạng tiêu chảy kéo dài dưới 14 ngày và đi ngoài liên tục 3 lần/ngày dưới dạng phân lỏng. Tiêu chảy cấp nếu không được chăm sóc đúng cách và điều trị sớm có thể gây ra tình trạng mất nước, rối loạn điện giải dẫn đến trẻ bị suy dinh dưỡng. Nghiêm trọng hơn là có thể gây tử vong nếu không được bù nước kịp thời. Bài viết ngay sau đây chia sẻ triệu chứng, nguyên nhân, những biện pháp phòng bệnh cũng như chữa bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ, để các cha mẹ tham khảo để biết cách xử lý kịp thời tránh những biến chứng không mong muốn xảy ra.

Phân biệt phân bình thường và tiêu chảy cấp ở trẻ

Thế nào là trẻ đi phân bình thường? 

Khối lượng, tần suất và độ đặc bình thường của phân thay đổi tùy theo độ tuổi, cân nặng và chế độ ăn của trẻ. Về tần suất, trẻ sơ sinh ‘đi ngoài’ từ 3 đến 10 lần mỗi ngày là bình thường, thay đổi tùy thuộc vào chế độ ăn của trẻ (trẻ bú mẹ thường đi phân nhiều lần hơn so với trẻ bú sữa công thức). Trẻ nhũ nhi, trẻ mới biết đi và trẻ em thường đi tiêu một đến hai lần mỗi ngày. 

Về độ đặc và màu sắc, trẻ sơ sinh, đặc biệt là những trẻ đang bú mẹ, thường đi ngoài ra phân mềm, có thể có màu vàng, xanh lá cây hoặc nâu, và / hoặc có vẻ như chứa hạt hoặc những cục sữa đông nhỏ.

Triệu chứng tiêu chảy cấp

Triệu chứng tiêu chảy cấp

– Là tình trạng đi ngoài phân lỏng hoặc toé nước ≥ 3 lần trong 24 giờ, có thể đi phân máu và kéo dài không quá 14 ngày.

– Nôn nhiều lần, ăn kém.

– Có thể đau bụng.

– Vã mồ hôi, kèm theo khát nước.

– Có thể sốt cao.

– Trường hợp nặng có thể li bì, co giật….

Nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy cấp

Tiêu chảy cấp có thể xảy ra do các nguyên nhân chính bao gồm:

  • Rotavirus là tác nhân chính gây tiêu chảy nặng và đe dọa tử vong ở trẻ dưới 2 tuổi.
  • Vi khuẩn: E.coli, Shigella, Tả, Campylobacter Jejuni , Salmonella …
  • Ký sinh trùng: Giardia, Cryptosporidium, amip
  • Các nhiễm trùng khác: nhiễm khuẩn hô hấp, nhiễm khuẩn tiết niệu, Viêm màng não,…
  • Tiêu chảy cấp do thuốc, thức ăn, dị ứng,…

Yếu tố thuận lợi dẫn đến tiêu chảy cấp:

  • Tuổi: 80% trẻ bị tiêu chảy < 2 tuổi, lứa tuổi cao nhất từ 6-18 tháng .
  • Trẻ mắc một số bệnh gây giảm miễn dịch: Suy dinh dưỡng, sau sởi, HIV/AIDS…
  • Tập quán làm tăng nguy cơ tiêu chảy cấp: Cho trẻ bú chai hoặc không nuôi con bằng sữa mẹ trong 4-6 tháng đầu; Cai sữa quá sớm; Thức ăn bị ô nhiễm; Nước uống bị ô nhiễm hoặc không đun chín; Không rửa tay trước khi ăn
  • Mùa: Mùa hè các bệnh tiêu chảy do nhiễm khuẩn cao, mùa đông tiêu chảy thường do Rotavirus

Phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ

Để chủ động phòng chống tiêu chảy cấp, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo cộng đồng:

Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường

  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch. Đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Mỗi gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi; không đổ rác thải, phân xuống ao, hồ; không sử dụng phân tươi, phân chưa xử lý đảm bảo vệ sinh để bón cây trồng.
  • Bảo đảm vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh.
  • Hạn chế ra vào vùng đang có dịch.

Vệ sinh cá nhân phòng bệnh tiêu chảy cấp

Vệ sinh an toàn thực phẩm

  • Mọi người, mọi nhà đều thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã.
  • Không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn chưa được chế biến và nấu chín, các thức ăn còn sống như gỏi cá, tiết canh, nem chua…
  • Chọn mua thức ăn từ nguồn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không sử dụng thực phẩm quá hạn sử dụng.
  • Các thức ăn đã nấu chín hoặc thức ăn còn dư, để từ bữa trước sang bữa sau phải được bảo quản tốt; nếu chỉ sử dụng ngay sau một thời gian ngắn thì đậy lồng bàn, để nơi mát, thoáng gió; nếu muốn để lâu (vài tiếng trở lên) thì phải cho vào tủ lạnh, lưu ý tủ lạnh phải để ở mức độ đủ lạnh cần thiết.
  • Rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn để đảm bảo không làm nhiễm mầm bệnh từ tay bẩn vào thức ăn.
  • Hạn chế tập trung ăn uống đông người như ma chay, đám giỗ, cưới xin, liên hoan… trong vùng đang có dịch.

Nguồn nước và dùng nước sạch

  • Nguồn nước ăn uống, sinh hoạt của các gia đình phải được bảo vệ sạch sẽ, có nắp đậy, không để nguồn nước bẩn từ bên ngoài như ao, hồ, sông, suối… chảy vào.
  • Ở những nơi không có nước máy mà đang có dịch tiêu chảy thì tất cả nước ăn uống đều phải được sát khuẩn bằng cloramin B.
  • Cấm đổ phân, chất thải, nước giặt rửa và đồ dùng của người bệnh xuống giếng, ao, hồ, sông, suối…

Cách xử trí trường hợp có người bị tiêu chảy cấp

  • Phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời. Không được để bệnh nhân ở nhà hoặc mua thuốc tự điều trị vì có thể nguy hiểm đến tính mạng và làm lây lan bệnh dịch sang cho gia đình và cộng đồng.
  • Sử dụng vắc-xin phòng tiêu chảy cấp cho virus rota là biện pháp phòng bệnh tốt nhất hiện nay.

Chăm sóc trẻ tiêu chảy tại nhà

Một số khuyến nghị đơn giản giúp chăm sóc trẻ bị tiêu chảy tại nhà như sau:

– Trẻ bị mất nước cần được bù lại lượng nước đã mất bằng cách uống Oresol- là dung dịch chứa glucose và chất điện giải theo tỷ lệ thích hợp cho nước mất do ói, đi tiêu.

Chăm sóc trẻ tiêu chảy tại nhà

– Trẻ không bị mất nước nên tiếp tục ăn chế độ ăn bình thường. Trẻ đang bú mẹ nên tiếp tục bú mẹ trừ khi phụ huynh được bác sĩ hướng dẫn khác.

Sau khi được bù nước, ngay cả những trẻ bị nặng vẫn có thể tiếp tục chế độ ăn bình thường. Hầu hết trẻ em bị tiêu chảy đều dung nạp được các sản phẩm sữa bò nguyên chất. Không cần thiết phải pha loãng hoặc ngừng sữa. Trừ trường hợp trẻ bị dị ứng với sữa bò.

Thực phẩm được khuyến nghị bao gồm các loại tinh bột (như gạo, lúa mì, khoai tây, bánh mì,…), thịt nạc, sữa chua, trái cây và rau. Nên tránh thực phẩm giàu chất béo sẽ gây khó hấp thụ hơn. Tránh đồ uống thể thao vì chúng có quá nhiều đường và có nồng độ chất điện giải không phù hợp cho trẻ bị tiêu chảy. Nên cung cấp thức ăn với khối lượng nhỏ hơn, thường xuyên hơn để giảm nguy cơ nôn mửa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *